NÉT RIÊNG TRONG THI PHÁP TRUYỆN TRUYỀN THUYẾT
25/05/2024 #Vietthichviet
I. Hiện thực và tưởng tượng trong truyền thuyết:
Hiện thực trong truyền thuyết là hiện thực xã hội loài người nhưng được nhìn bó hẹp trong phạm vi từ bộ tộc cho đến bộ lạc rồi tiến dần lên xã hội có nhà nước chuyên chế. Thần thoại giải thích thế giới tự nhiên thì truyền thuyết giải thích thế giới con người. Mô hình thế giới con người được nhìn từ mô hình bộ lạc. Durkheim cho rằng: “Về bản chất, tôtem giáo thiêng liêng hoá những khách thể đơn lẻ và mô hình thế giới xác định, tương ứng với quan niệm cho rằng mọ sự vật của thế giới chỉ là một phần của bộ tộc”, (Dẫn theo E.M.Meletínky: Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr.42). Thần thoại thần thánh hoá thiên nhiên thì truyền thuyết thiêng liêng hoá bộ lạc. Như vậy, suy cho cùng thì ở thần thoại, con người là trung tâm của vũ trụ còn truyền thuyết bộ lạc là trung tâm của xã hội. Ở thần thoại có bộ phận thần thoại suy nguyên nguồn gốc vũ trụ thì ở truyền thuyết có bộ phận truyền thuyết suy nguyên nguồn gốc con người và bộ lạc. Truyện Thần trụ trời của thần thoại Việt thuộc loại thần thoại suy nguyên nguồn gốc vũ trụ và truyện Họ Hồng Bàng của truyền thuyết Việt là truyền thuyết suy nguyên về chủng tộc của Bách Việt và Lạc Việt. Bộ phận truyền thuyết suy nguyên bắt nguồn từ sự suy nguyên của thần thoại. Mọi vật trong thế giới thần thoại đều là thần. Thần là vô lượng, vô biên nên con người sinh ra từ thần tự nhiên là vô lượng vô biên. Nói về nguồn gốc cao quí của con người thì không gì hơn bằng gán cho mình sinh ra từ thần tự nhiên. Meletinsky trong “Thi pháp của huyền thoại, tr.216” cho rằng: “Thuyết vật tổ xuất phát từ sự giống nhau về huyết thống của một nhóm người và một cộng đồng loài động vật hoặc thực vật”. Bộ phận truyền thuyết nói về sự xây dựng quốc gia phong kiến, sự tranh chấp giữa các bộ lạc và sự xâm lấn giữa các quốc gia là bộ phận có yếu tố hiện thực cao hơn, yếu tố hoang đường huyền thoại giảm đi rõ rệt. Bộ phận truyền thuyết này thường ca ngợi công tích của vị lãnh tụ bộ lạc và những người anh hùng chiến trận. Yếu tố thần thánh trong nhân vật anh hùng là sự suy tôn cá nhân có tài có công với cộng đồng. Ở thần thoại là sùng bái các vị thần tự nhiên thì truyền thuyết là sùng kính các vị lãnh tụ bộ lạc và các anh hùng xuất chúng. Nhân vật thần trong truyền thuyết chỉ là sự hình tượng hoá tượng trưng cho một phát minh cải tạo vũ khí như nhân vật rùa vàng, cho một thế lực thù đich như tinh con gà trắng trong truyền thuyết An Dương Vương. Hình tượng nhân vật anh hùng một phần là hiện thực, một phần là ước mơ của con người muốn bộ lạc mình có một nhân vật anh hùng siêu việt có tài đủ sức chống lại kẻ thù và giúp dân sống hạnh phúc và thanh bình. Theo Lê Trường Phát, nhân vật và sự kiện của truyền thuyết lịch sử là những con người và sự kiện có thật ngoài đời…lựa chọn những nhân vật lịch sử xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng, tư tưởng tình cảm của mình. Truyền thuyết lịch sử là sự tái tạo lịch sử trên cơ sở cái cốt lõi lịch sử rồi tiến hành sắp xếp lại để dựng lên tầm vóc của sự kiện và nhân vật, đưa thêm vào đó những gì mà tâm tình, thái độ của nhân dân đối với đối tượng phản ánh. Không những thế, truyền thuyết dân gian còn gắn vào nhân vật những yếu tố thần kỳ lấp lánh…Những yếu tố ấy không có thực ngoài đời nhưng có thực trong tâm tình của dân gian đối với lịch sử (Thi pháp Văn học dân gian, tr. 20-22).
II. Cốt truyện truyền thuyết:
Nếu thần thoại, cốt truyện chỉ xoay quanh một nhân vật thì cốt truyện truyền thuyết lại xoay quanh nhiều nhân vật, thậm chí có truyện có hai hệ thống nhân vật đối lập nhau như truyện An Dương Vương: Một bên là An Dương Vương, Mỵ Châu, thần Kim Quy; một bên là Triệu Đà, Trọng Thủy, con tinh Gà Trắng. Như vậy cốt truyện của truyền thuyết phức tạp, đa dạng hơn thần thoại. Cốt truyện truyền thuyết thường theo ba đoạn đời nhân vật chính. Theo Lê Trường Phát, cốt truyện truyền thuyết xây dựng theo 3 giai đoạn của cuộc đời nhân vật. Đoạn đời thứ nhất kể về hoàn cảnh và thân thế của nhân vật chính bao gồm một số môtip. Môtip sự thụ thai kỳ lạ của mẹ người anh hùng do quan hệ bí ẩn, bất thường với một hiện tượng, một sự vật nào đó. Môtip về tướng lạ có từ khi lọt lòng như gan bàn chân có ba sợi lông trắng, có nốt ruồi đỏ trong vành tai, trên trán có ba đường chỉ ngang, tay dài quá gối,…Môtip về sự biểu hiện khác thường, hơn người khi còn trẻ như: nâng cối đá lên cao, tay không giét cọp dữ, nhảy cao và xa khác thường, có phép lạ, không nói không cười, có chí lớn…Môtip về hoàn cảnh xã hội: loạn lạc liên miên, giặc ngoại xâm sắp xâm lược hoặc đang thống trị hà khắc, triều đình mục nát, dân chúng lầm than…Môtip xuất thân của nhân vật chính hoặc là con nhà nghèo đã qua thử thách cuộc đời hoặc là con nhà nòi có truyền thống thượng võ, yêu nước thương nòi, gia đình mang mối thù với giặc ngoại xâm… Đoạn đời thứ hai là quá trình hoạt động của nhân vật chính. Phần này kể lại hành động, chiến công, kì tích của nhân vật chính với nhiều tình huống thăng trầm, gian nguy, thất bại rồi thành công. Đoạn đời thứ ba là sự kết thúc của nhân vật chính. Có nhiều môtip về giai đoạn này như môtip về sự hoá thân, thăng hoa của nhân vật (Dóng bay lên trời, người anh hùng bị chém đầu nhưng tay vẫn giữ đầu rồi phi đến chỗ đất thiêng mới hoá, hai Bà có hai đám mây ngũ sắc cuộn lên trơi); môtip về sự hiển linh, hiển thánh giúp con cháu làm ăn và đánh giặc; môtip về sự vinh phong, gia phong tên hiệu của các triều đại sau cho người anh hùng; môtip về nghi lễ thờ cúng liên quan đến tôn vinh, nhớ ơn người anh hùng (Thi pháp Văn học dân gian, tr. 28-29). Kết cấu truyền thuyết có hai loại: loại cốt truyện đơn và loại cốt truyện xâu chuỗi. Những chuỗi truyện về Lê Lợi tập trung nói về người anh hùng Lê Lợi. Các chuỗi truyện về Hùng Vương, về An Dương Vương cũng có kết cấu như vậy. Với kiểu kết cấu này thì nhân vật lịch sử là nhân vật trung tâm, còn các nhân vật khác là nhân vật phụ. Đối với chuỗi truyền thuyết về Hùng Vương thì vai trò xuất hiện của nhân vật Hùng Vương tương đối mờ nhạt trong các truyện đơn lẻ nhưng các truyện tập hợp lại, chúng ta sẽ thấy vai trò của Hùng Vương càng rõ hơn. Đối với loại chuỗi truyện về Hùng Vương thì Hùng Vương là nhân vật trung tâm còn trong từng truyện thì Hùng Vương chỉ là nhân vật phụ mà nhân vật chính lại là nhân vật được chú ý của truyện đó. Ví dụ truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh thì hai nhân vật này là nhân vật chính còn nhân vật Hùng Vương vẫn là nhân vật phụ.
III. Đặc trưng nhân vật truyền thuyết:
Nhân vật chính của truyền thuyết chủ yếu là người và một số nhân vật là bán thần. Ngoài nhân vật chính còn có những nhân vật phụ. Nhân vật phụ rất đa dạng, có nhân vật là người, nhân vật là thần.
– Về nhân vật khởi nguyên và anh hùng văn hoá. Đây là bộ phận truyền thuyết về nguồn gốc các thị tộc, bộ lạc, gia tộc, các làng xã, các thuỷ tổ các nghề và làng nghề thủ công truyền thống. Truyền thuyết về thị tộc, bộ lạc, gia tộc thường là loại nhân vật khởi nguyên. Đặc điểm loại nhân vật này là nhân vật là bán thần trong truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, “Sơn Tinh thủy Tinh”, đây là hai nhân vật không rõ hình hài, tính cách thì người nhưng hành động, hình dáng thì thần. Đây là nhân vật mang ảnh hưởng kiểu nhân vật thần thoại. Nhân vật trong thần thoại sử thi được kết cấu trong hệ thống các môtíp: 1. Môtíp hồng thủy: mưa, lụt – Đôi trai gái sống sót sinh đẻ (Đẻ đất đẻ nước), Lũ lụt ( Nam + Nữ ( Các dân tộc (Quả bầu mẹ). 2. Môtíp người khổng lồ kiến tạo: Cây – người – trời đất hoặc cây – Người – khổng lồ – chim – trứng ( nhiều người (Đẻ đất đẻ nước), hay Quả bầu ( Cục thịt giống quả bầu ( Cục thịt với các dạng của nó (Quả bầu mẹ). 3. Môtíp cây vũ trụ: Sự xuất hiện ( Sự chết ( Sự phục hồi (Đẻ đất đẻ nước). Đây là môtíp thuộc bộ phận truyền thuyết suy nguyên về nguồn gốc loài người và bộ lạc. Lớp truyền thuyết suy nguyên về nguồn gốc con người và các tộc người. Đó là Tô Tem Giáo và Bái Vật Giáo. Người Việt, vật tổ là con rồng (Long), con Nêga của người Khơme, con NaGaRy của người Chăm, con Ngược của người Thái… Đây là hình thức sơ khai của tôn giáo nguyên thủy về thần và vật linh, vật tổ. Nhân bản người rồi thần thánh hóa con người là con đường nghệ thuật của truyền thuyết suy nguyên . Việc nhân bản con người thể hiện trong việc Chim đẻ ra trứng – trứng nở ra người trong thần thoại “Mo Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường. Hay là hiện tượng quả bầu sinh ra người của dân tộc Thái. Việc nhân bản hóa từ vật sinh ra người bắt nguồn từ thần thoại suy nguyên, quan niệm con người có nguồn gốc từ động vật, thực vật…Bước cuối cùng, thần thánh hóa con người là bước nhân vật thần thoại mang màu sắc truyền thuyết và sử thi. Sử thi thần thoại là sự kết hợp hai thể loại: Thần thoại suy nguyên và truyền thuyết suy nguyên. Nhân vật anh hùng văn hoá gắn liền với bộ phận truyền thuyết suy nguyên về nguồn gốc dân tộc, bộ lạc. Meletinsky chỉ ra rằng “ Việc diệt trừ quái vật, yêu ma, việc tạo ra con người và dạy nghề và nghệ thuật cho họ, tạo ra các phong tục, trật tự các sông ngòi, biển cả, tạo ra khí hậu, v.v…đã thuộc vào số những hoạt động quan trọng nhất của anh hùng văn hoá. Bằng cách đó, các huyền thoại tương ứng trước hết sẽ kể về sự xuất hiện của những cái trước đây chưa hề có hoặc vượt quá khả năng của của con người, thứ đến nhấn mạnh vào sự điều chỉnh môi trường tự nhiên (nước cường, và nước ròng, mùa đông và mùa hè) và xã hội, tập trung vào các nghi thức cần để liên tục duy trì trật tự đã được thiết lập. Như vậy là tính hiệu chỉnh này gắn bó một cách đặc biệt với hoạt động của các anh hùng văn hoá”, (Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr.261). Trong bộ phận truyền thuyết suy nguyên của người việt có nhân vật Lạc Long Quân là dạng nhân vật anh hùng văn hoá. Đây là nhân vật khai sáng, là thuỷ tổ của người Việt, có công diệt Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh, dạy dân làm ăn. Khi bàn về môtíp huyền thoại, Meletinsky cho rằng: “Trong các huyền thoại tôtem thì giống nửa người nửa chim thường xuất hiện với tư cách là tổ tiên bộ tộc”. Truyện truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” thì nhân vật Âu cơ là một dạng nhân vật như thế. Âu Cơ là một giốmg chim lớn kết hợp với Lạc Long Quân là giống Rồng đẻ ra bọc trăm trứng đẻ ra trăm con, nguồn gốc của các dân tộc Việt. Trong sử thi thần thoại Mo đẻ đất đẻ nước của người Mường thì cũng nói đến chuyện đẻ ra trứng Tiếng nở ra người. Cũng theo Meletinsky thì “Trong hàng loạt các huyền thoại cổ xưa (vùng Thái Bình Dương, Indonesia, truyện của người da Đỏ châu Mỹ, một phần truyện của Ấn Độ, Trung Quốc) thì tổ tiên loài người xuất hiện từ trứng, còn trong những huyền thoại muộn hơn về sau thì chính Đấng tạo hoá, Mặt trời…Brakhma trong thần thoại Ấn Độ, thần Eros trong huyền thoại Hy Lạp, thần Bàn Cổ trong huyền thoại Trung Quốc…”, (Thi pháp huyền thoại, Sđd, tr.266). Loại truyền thuyết về địa danh cũng gắn với công tích của nhân vật có công tích khai khẩn vùng đất nên nó cũng là loại nhân vật anh hùng văn hoá hay anh hùnh lịch sử như trường hợp truyền thuyết về Sự tích Hồ hoàn kiếm gắn với nhân vật Lê Lợi.
– Nhân vật anh hùng lịch sử: Nhân vật là con người như Hùng Vương, Thánh Gióng, An Dương Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi…Trong số nhân vật là con người, chỉ có Thánh Gióng mang đậm màu sắc huyền thoại, còn lại các nhân vật khác đều là nhân vật có thật trong lịch sử. Nhân vật huyền thoại Thánh Gióng mang trong mình sức mạnh thần linh, còn nhân vật lịch sử bản thân không mang sức mạnh thần linh nhưng được thần linh trợ giúp như An Dương Vương, Lê Lợi… Như vậy, con đường của nhân vật chính đi từ nhân vật bán thần đến nhân vật huyền thoại rồi cuối cùng là nhân vật lịch sử. Nếu xem Hùng Vương và An Dương Vương là nhân vật chính thì các nhân vật khác là nhân vật phụ nhưng xem Hùng Vương, An Dương Vương là nhân vật trung tâm mà các truyện xung quanh có ý nghĩa độc lập tương đối của nó thì các nhân vật Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mai An Tiêm, Lang Liêu, Mỵ Châu Trọng Thủy là nhân vật chính. Bên cạnh nhân vật thần, bán thần và nhân vật là con người thì còn có các loại vật thần như Ngựa sắt phun lửa, Gươm thần, Nỏ thần…Tất cả nhân vật thần và vật thần đều được dựng lên để giúp đỡ nhân vật chính. Khác với thần thoại đa số mỗi truyện là một nhân vật duy nhất thì truyền thuyết ngoài nhân vật chính còn có các nhân vật phụ.
Meletinsky nhận xét về đặc điểm của nhân vật huyền thoại Trung Hoa mà cũng đúng với huyền thoại Việt Nam là: “Xu hướng lịch sử hoá, đã sử hoá, là việc xem các nhân vật huyền thoại như các nhà cầm quyền của lịch sử thời cổ đại cũng như sự hiện hữu trong các huyền thoại các bình diện thực tại sinh hoạt và lịch sử thời kì muộn hơn: các tể tướng, quan lại, các mưu kế trong triều đình, hoạt động ngoại giao, các đặc điểm sinh hoạt gia đình.v.v… Ở đó còn lưu giữ các thuộc tính ma quái cho đến các thuộc tính hình động vật, những sự biến hoá siêu thường…”, (Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr. 352-353). Các nhân vật Hùng Vương, An Dương Vương, Triệu Đà, Lê Lợi…đều mang những đặc điểm nói trên.
Hai biện pháp song hành trong việc xây dựng nhân vật truyền thuyết là thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên và thần thánh hóa các hoạt động của con người. Thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên trong việc xây dựng nhân vật phụ như thần Kim Quy trong truyền thuyết An Dương Vương (Sự tích Loa Thành), vật thần như Ngựa sắt trong truyền thuyết “Thánh Gióng”…Nhưng biện pháp chủ yếu, phổ biến trong truyền thuyết vẫn là thần thánh hóa các hoạt động con người. Có hai cách xây dựng nhân vật chính: Thần thánh hóa bản thân nhân vật như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng. Thánh Gióng là nhân vật đặc biệt, nhân vật trung gian quá độ của kiểu nhân vật bán thần và nhân vật người. Việc sinh nở, ăn uống, hoạt động là con người nhưng sự lớn nhanh như thổi, sức mạnh phi thường của Gióng là biểu hiện của thần thánh. Ở đây có sử dụng biện pháp tổng hợp và khái quát sức mạnh của cộng đồng theo kiểu nhân vật sử thi anh hùng.
Cách thứ hai là thần thánh hóa nhân vật bằng cách bao quanh nhân vật chính những yếu tố hoang đường, kỳ diệu. An Dương Vương, Lê Lợi không có yếu tố của thần thánh nhưng được các lực lượng thần thánh giúp đỡ như thần Kim quy, Long Quân…Đây là xu hướng chủ đạo trong truyền thuyết. Nhân vật xây dựng theo cách này có nhân tính, nhân cách rõ hơn loại nhân vật được xây dựng theo cách thứ nhất. Phần lớn, nhân vật truyền thuyết được xây dựng theo một chu trình, kết cấu theo công thức sau: Lai lịch (bao gồm sinh đẻ thần kỳ và hình dáng dị thường > Tài đức và sự nghiệp > Cái chết thần kỳ. Nếu có thần tích thì có hiển linh: âm phù > gia phong, sắc phong của triều đình phong kiến.
Các nhân vật lịch sử được truyền thuyết xây dựng vào thời kỳ sau thời đại Hùng Vương, dù là có nhiều công trạng nhưng gần với nhân dân và cuộc sống đời thường hơn các nhân vật anh hùng lịch sử từ Hùng Vương trở về trước. Công trạng của họ là một phần của nhân dân, được nhân dân bảo vệ, chở che. Điển hình là truyền thuyết về người anh hùng Lê Lợi. Phần lớn các câu chuyện xung quanh Lê Lợi đều kể về những lần Lê Lợi bị giặc vây đuổi và được dân cứu thoát. Những người làm chức năng cứu tinh ấy là những con người bình thường chứ không phải là thần thánh. Có lần là một người nông dân đang làm ruộng, có lần là một bà lão bán nước ở quán bên đường, có khi chỉ là tử thi một cô gái bị giặc hãm hiếp đến chết. Truyền thuyết không ngại để cho người dân thường quát mắng người anh hùng cầm đầu cuộc khởi nghĩa, cũng chẳng e dè để đấng nam nhi anh hào như Lê Lợi núp dưới chân bà hàng nước. Rõ ràng, nhân vật Lê Lợi được đặt giữa lòng dân và mối quan hệ cá nhân – tập thể quần chúng rộng lớn được truyền thuyết dùng để lý giải thành công của người anh hùng. (Lê Trường Phát: Thi pháp văn học dân gian,tr. 22). Những yếu tố chân thực lịch sử đã được đưa vào để xây dựng nhân vật anh hùng, điều này khác xa với cách xây dựng nhân vật lịch sử của bộ phận truyền thuyết trước đó. Lê Trường Phát phát hiện thêm một đặc điểm nữa thuộc thi pháp nhân vật của truyền thuyết lịch sử cần lưu ý là: nhân vật không chỉ sống trong lời kể mà còn sống trong nghi lễ thờ cúng với những nghi thức, tập tục sinh động và tập quán lâu đời của các địa phương. Trong cuộc đời mìn, hành động của nhân vật lịch sử trải qua nhiều địa phương. Hoạt động của họ để lại những dấu tích khác nhau. Chính từ những dấu tích ấy mà nảy sinh hàng loạt truyền thuyết địa danh gắn liền với tên tuổi và hoạt động của nhân vật. Mỗi địa phương mà nhân vật lịch sử đi qua và để lại dấu tích xuất hiện những hình thức tế lễ với những qui định riêng về nghi thức, tập tục của địa phương. Thế là đã hình thành nên một hợp thể hết sức độc đáo bao gồm truyền thuyết lịch sử về nhân vật và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, trong đó truyền thuyết đóng vai trò làm lời minh giải cho các hình thức sinh hoạt văn hoá, ngược lại, các hình thức sinh hoạt văn hoá là minh chứng cho tính chất thực tại của truyền thuyết dân gian. Có thể nói, cùng với cái hợp thể mà phần lời kể (truyền thuyết lịch sử) đóng vai trò quan trọng làm cho mọi hình thức sinh hoạt văn hoá trở nên sáng tỏ và nhân vật lịch sử nhờ đó mà trở nên bất tử, luôn có mặt trong sự nghiệp của các thế hệ con cháu muôn đời sau. (Thi pháp văn học dân gian, Sđd, tr. 23-24).
IV. Đặc trưng ngôn ngữ truyền thuyết:
Truyền thuyết và thần thoại là hai thể loại xâm nhập nhau một cách mạnh mẽ, xu hướng là truyền thuyết hoá thần thoại. Truyện Sơn tinh Thuỷ tinh ban đầu có thể là thần thoại gắn liền với việc giải thích hành động của thần núi và thần nước. Sơn tinh lại được nhập thân thành vị thần của núi Tản và thành Tản Viên sơn thần rồi lại được truyền thuyết hoá gắn với công trạng của thần. Tuy nhiên ngôn ngữ kể hai thể loại này vẫn khác nhau. Nhân vật thần thoại được kể với một ngôn ngữ hồn nhiên, mộc mạc, nhân vật không có lý lịch rõ ràng như nhân vật truyền thuyết. Nhân vật truyền thuyết cũng gọi là thần thánh nhưng đó là sự tôn xưng của nhân dân và chính quyền phong kiến đối với nhân vật anh hùng còn thần trong thần thoại là hình ảnh của lực lượng tự nhiên.
Đặc trưng ngôn ngữ truyền thuyết bắt nguồn từ đặc điểm lời kể truyền thuyết. Có ba loại văn bản lời kể của truyền thuyết về nhân vật lịch sử. Văn bản lời kể được truyền tụng trong dân gian, gọi là văn bản truyền thuyết dân gian. Loại văn bản thứ hai là bản thần tích do chính quyền phong kiến thể chế, hành chính hoá dựa trên truyền thuyết dân gian như là bản tiểu sử về nhân vật anh hùng. Trong quá trình lưu truyền qua nhiều thế hệ thì lại xuất hiện một loại văn bản mới do sự kết hợp pha trộn hai loại văn bản kẻ vừa nêu trên. Tuy nhiên, văn bản kể mà chúng ta được biết ngày nay không thể nào xác định rõ nó là loại văn bản nào trong ba loại trên. Đặc điểm tiêu biểu của lời kể truyền thuyết là ngôn ngữ cô động, ít miêu tả, chủ yếu chỉ thuật lại hành động của nhân vật, chú ý kể những chi tiết về hoàn cảnh xuất thân của nhân vật, bối cảnh của câu chuyện, những lời thoại nhân vật một cách cô động. Những lời thoại nhân vật được chú ý kể là lời thể hiện khí khái, lòng nhiệt huyết của nhân vật đối với đất nước trong hoàn cảnh lâm nguy như lời của Dóng nói với sứ giả vua Hùng, lời khảng khái của bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi qua Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”. Đối với bộ phận truyền thuyết kết chuỗi, do có nhiều truyện cùng song hành tồn tại trong hệ thống chuỗi kể về nhân vật lịch sử nên chúng ta dễ nhận ra truyện mang đậm yếu tố thần tích, truyện mang đậm truyền thuyết dân gian. Ở những truyện mang đậm chất dân gian thì ngôn ngữ đầy ắp chất tưởng tượng tươi mát, bay bổng mà vẫn mộc mạc chất dân gian. Đó là những truyện Tại sao đầm Đượng có mười sáu đường nước chảy, Thuồng luồng ở cầu Hang, Núi chàng rể gù lưng, Đồi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt…trong chuỗi truyền thuyết về Tản Viên sơn thánh. (Dẫn theo Lê Trường Phát, Sđđ, tr. 30-31).
V. Không gian truyền thuyết:
Không gian truyền thuyết là không gian đời thường, không gian chiến trường và không gian xã hội, đất nước, khác với thần thoại chủ yếu là không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên. Trong truyền thuyết Thánh Gióng có không gian đời thường khi Gióng còn nhỏ và không gian chiến trường khi Gióng ra trận. Truyền thuyết An Dương Vương vừa có không gian đất nước bao quát một vùng đất vừa có không gian đời thường trong phạm vi gia đình Vua, vừa có không gian chiến trường. Không gian truyền thuyết gắn liền với các địa danh, di tích cụ thể như làng Phù Đổng, huyện Quế Võ, Trân Sơn, núi Sóc Sơn (Thánh Gióng), Phong Khê, núi Thất Diệu, Dạ Sơn (An Dương Vương), Thanh Hóa, Lam Sơn, hồ Tả Vọng (Sự tích Hồ Gươm)…Những địa danh di tích ấy đều gắn liền với sự nghiệp của nhân vật truyền thuyết.
Theo Meletinsky, không gian huyền thoại được phân chia theo hệ thống chiều ngang và chiều dọc. “Mô hình vũ trụ theo chiều ngang – đó là cái nền không gian cho nhiều truyền thuyết về các cuộc phiêu lưu của các thượng thần. Cuộc chiến với những khổng lồ được tiến hành nhằm tranh giành các nữ thần và các báu vật…Yếu tố nước trong mô hình chiều ngang (biển) chủ yếu được nhắc tới với dấu hiệu phủ định”, (Thi pháp của huyền thoại, Sđd,tr.335-336). Đặc điểm này thể hiện rõ trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh của người Việt, hai vị thần đánh nhau để tranh giành người đẹp và của cải. Thuỷ Tinh thần nước hàng năm dâng nước lên đánh Sơn Tinh là sự phủ định vai trò thống lĩnh của Sơn Tinh đối với vương quốc Núi và người đẹp.
VI. Thời gian truyền thuyết:
Thời gian truyền thuyết là thời gian lịch sử , thời gian thời đại, triều đại nó được xác định cụ thể hơn so với thời gian thần thoại. Câu chuyện xảy ra có khi kéo dài nhiều triều đại như truyền thuyết “Họ Hồng Bàng”, một triều đại như truyện An Dương Vương kể từ khi ông vua này mở mang bờ cõi, xây thành cho đến khi thất bại. Truyện “Sự tích Hồ Gươm” kể từ khi Lê Lợi mới dấy binh khởi nghĩa cho đến khi đất nước thanh bình. Truyện “Thánh Gióng” kể từ khi đất nước có giặc ngoại xâm đến khi giặc tan. Tuy nhiên thời gian của truyền thuyết không ghi rõ thời điểm, ngày tháng, câu chuyện xảy ra bao lâu. Nhân vật trong truyền thuyết xác định được thời gian sinh thành và kết thúc. Nhân vật truyền thuyết là bất tử, nhưng có lý lịch rõ ràng, trải qua các bước đường của cuộc đời như Thánh Gióng, bước đường sự nghiệp như An Dương Vương, Lê Lợi, Hai bà Trưng, Bà Triệu…Nhân vật thần thoại không có tuổi thì nhân vật truyền thuyết có tuổi mặc dù truyện không nêu rõ bao nhiêu năm, chỉ trừ Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh là các nhân vật theo phong cách thần thoại nên không có tuổi.
0 Nhận xét